TRƯỜNG THPT LẠC NGHIỆP
Ấn tượng đầu tiên khi trao Học bổng Thông Xanh lần I (01/2006) tại trường THPT Lạc Nghiệp là một cô bé dong dỏng cao, nước da hơi rám nắng. Hỏi ra, em chỉ mới học lớp 9. Đó là Đinh Thị Thanh Thuỷ, sinh năm 1991, nhà ở khu Đập Nhỏ, thị trấn Dran.
Ảnh bên: Thuỷ với bà nội
Gia đình em là hộ nghèo trong thôn, ngôi nhà gỗ chắp vá bằng những tấm ván bìa mục cũ. Cả đất cả nhà có diện tích 500 mét vuông, khoanh đất nhỏ được tận dụng để trồng ít rau cải kiếm thêm. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, ngoài việc chăm sóc vài luống rau bé tí quanh nhà ấy thì đi làm thuê cho các nhà vườn khác. Cha em, anh Đinh Văn Được, đi phụ hồ từ nhiều năm nay. Thu nhập của cả hai vợ chồng không được bao nhiêu, lại phải chi phí cho cả nhà sáu miệng ăn (Thuỷ còn bà nội và hai em), hết sức chật vật.
Mặt sau nhà em Thuỷ
Ngoài thời gian đi học, ở nhà Thuỷ lo nấu nướng, dọn dẹp, làm vườn. Mới mùng 4 Tết, tranh thủ thời gian còn chưa đi học lại, em đã phụ mẹ xới đất cho những luống rau vừa mới trồng.
Thuỷ phụ mẹ xới rau sáng mùng 4 Tết
Tuy gia đình khó khăn nhưng em luôn đạt thành tích cao trong học tập. Từ lớp 1 đến lớp 8 em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, và thành tích vẫn giữ nguyên trong học kỳ I năm học lớp 9 này. Điểm trung bình đa số các môn em đều đạt trên 9,0. Em rất thích học Anh văn và mơ ước sau này học và làm một công việc liên quan đến ngoại ngữ. Thầy chủ nhiệm của em, thầy Lâm Nguyên Thao, rất thích thú khi nhận xét về em, với bảng thành tích môn Toán do thầy dạy đạt điểm 10 tất cả các bài kiểm tra viết. Thầy viết: "Năm ngoái, nếu như Thủy có chiếc máy tính bỏ túi CASIO FX 500 để tham gia lớp tự chọn 'Giải Toán trên máy tính CASIO' thì năm nay có lẽ Thủy đã là 1 trong 5 HS của Tỉnh Lâm Đồng dự thi vòng khu vực [...] Với Tư duy Toán học nhạy bén,Thủy giải rất tốt một số bài Toán sử dụng MTBT Casio [...] Giá như thầy phát hiện sớm hơn năng khiếu của Thủy thì thầy sẽ có 1 HS xuất sắc..." Thầy tóm gọn lời nhận xét của mình bằng một chữ "tiếc", vì chỉ đến năm nay thầy mới trực tiếp dạy Thuỷ, và lớp máy tính Casio do thầy phụ trách và tuyển chọn chỉ mới bắt đầu từ năm học này.
Học trên Thuỷ một lớp nhưng lại nhút nhát hơn rất nhiều, đó là Nguyễn Thị Thu Huyền, lớp 10A4 do cô Hồng Phương chủ nhiệm. Sinh năm 1990, con út trong một gia đình nông dân ở thôn Phú Thuận, cô bé ngoan hiền này khiêm tốn nói với chúng tôi về mơ ước trở thành bác sĩ chữa những căn bệnh hiểm nghèo. Hỏi nhút nhát vậy sao làm bác sĩ được vì phải tiếp xúc với máu me, thậm chí tập mổ xẻ trên xác chết, cô bé bẽn lẽn cười... Với thành tích học sinh giỏi suốt các năm cấp II và học kỳ đầu tiên ở cấp III, học tương đối đều các môn, em vẫn còn nhiều thời gian để rèn luyện những khả năng cần thiết nhằm biến ước mơ thành hiện thực, nhất là khi cha em, ông Nguyễn Đê, đã xúc động vừa cảm ơn những tấm lòng quý báu đã góp Quỹ Thông Xanh, vừa khẳng định chắc chắn: "Chỉ ước mong con cái trở thành người có ích, dù khó khăn đến đâu cũng cam lòng".
Huyền và cha em
Cùng học lớp 9 như Thanh Thuỷ, em Trần Thị Thanh Tuyền sinh năm 1991, ở ngay trong lòng phố, nhưng nhà lại rất chật chội và lụp xụp. Địa chỉ nhà 21 Lê Lai, khóm II, thị trấn Dran, tên con đường mới đặt, có lẽ còn quá lạ lẫm đối với mọi người. Với những người đã ở Đơn Dương lâu năm, nói bên hông kho hàng Hồng Sương cũ (bây giờ đã bị phá bỏ) sẽ dễ hình dung hơn.
Cô bé Thanh Tuyền yêu văn chương
Cả nhà có ba anh chị em. Anh trai đầu của Tuyền vừa học tới lớp 11 thì nghỉ ngang đi làm thuê kiếm sống. Tuyền và em trai (đang học lớp 7) vẫn cố gắng học hành vì chỉ có vậy mới có được lối ra trong tương lai. Mẹ em lo việc nội trợ trong nhà, và mọi nguồn thu của gia đình đè nặng lên đôi vai người chồng - người cha Trần Thanh Thuận. Đè nặng mỗi ngày, đè nặng lên từng thớ thịt trên khắp thân thể anh, người bốc xếp. Ngày nào không có hàng, không có việc thì anh nhẹ người (theo đúng nghĩa đen) nhưng trong lòng lại nóng như lửa đốt...
Là con gái, Tuyền thích học Văn. Và cũng thích môn Hoá. Không đi học thêm, chỉ học bồi dưỡng môn Văn và học thêm môn Lý nhờ được thầy cho miễn học phí, em vẫn đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến với điểm trung bình khá cao: 7,5. Em đã đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp huyện và đang chuẩn bị đi thi vòng tỉnh. Thích học Văn nên em cũng say mê đọc sách báo. Những đồng tiền ít ỏi dành dụm được em dùng để mua báo Hoa Học Trò và Mực Tím. Chính các tờ báo này đã ươm mầm tình yêu văn chương trong cô bé vừa bước qua tuổi mười lăm trăng tròn này. Tuyền cũng là một trong những độc giả hiếm hoi thường xuyên đến thư viện trường tìm sách đọc, và hễ cô giáo dạy Văn mượn được cuốn sách nào hay cho em đem về nhà đọc thì em say mê không kể xiết. Đáng tiếc là thư viện trường lại chưa cho phép học sinh mượn sách về nhà! Ở độ tuổi của em, đọc hết cuốn nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc quả là điều không dễ dàng, vậy mà em đã "làm gọn" một cách thích thú. Em vẫn đang chờ dịp để đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, một cuốn sách (em nghe nói là) hay mà vẫn chưa có được. Có những ước mơ bình dị như thế mà ở quê ta sao vẫn còn vượt quá tầm tay các em!... Nhưng cũng không vì điều đó mà Tuyền quên đi ước mơ một ngày đứng trên bục giảng say sưa bình luận những áng văn hay cho học trò...
Hỏi Thuỷ, hỏi Tuyền về một người mà các em ngưỡng mộ, thật trùng hợp là câu trả lời đều chỉ một người: chị Miên lớp 12A5. Quả là rất trùng hợp vì Nguyễn Thị Ngọc Miên cũng là một trong năm em học sinh nhận học bổng đợt này. Miên sinh năm 1988, con cô Tuyết Hoa và thầy Sự. Có lẽ truyền thống gia đình nhà giáo đã rèn luyện cho cô bé này những khả năng học tập xuất sắc. Sau một thời gian nghỉ dạy, cả thầy và cô đã được mời trở lại với trường lớp, học trò, bảng đen, phấn trắng. Dù bây giờ, chỉ còn mình cô trụ lại trường THPT BC Dran, còn thầy đã thôi đến lớp để ngày ngày chăm sóc vườn tược, nhưng hình ảnh người thầy có lẽ vẫn thấp thoáng trong từng lời dạy người cha dành cho con.
Ngọc Miên (bên trái) và em gái - hai chị em học giỏi
Yêu cha, yêu những nụ hoa xinh xắn từ tay cha trồng, Miên đã từng mơ ước học công nghệ sinh học để ghép cây, để tạo giống mới mang về cho cha. Giờ đây công nghệ sinh học đã nhường chỗ cho công nghệ thông tin trong mơ ước của cô bé được thầy cô và bạn bè khen là xuất sắc này. Thành tích học tập xuất sắc này trước tiên là nhờ em biết cách tổ chức học tập, không học lệch mà tập trung đều cho tất cả các môn. Đặc biệt cần phải kể đến tố chất trong gia đình, mà cả cô em gái của Miên đang học lớp 10 cũng là minh chứng thấy rõ, dưới sự dạy dỗ chu đáo của người cha - người mẹ - thầy cô giáo. Điểm trung bình học kỳ I năm học 12 này của Miên là 8,3, thành tích không dễ đạt được ở năm học cuối cấp.
Trong đợt trao học bổng Thông Xanh lần này, cô Thái Kim Phượng, chủ nhiệm lớp 12A5, có lẽ là người rất hạnh phúc, vì ngoài Ngọc Miên lớp cô còn có một em khác nhận học bổng: Trần Thị Hằng.
Trần Thị Hằng vẫn tin vào tương lai
Đi tìm nhà Hằng, chúng tôi lặn lội trên con đường đất đỏ xa dịu vợi, lên đồi xuống dốc, dằn xóc và bụi bặm, đến tận Hầm I thôn Hamasing. Tưởng tượng đến cảnh em Hằng bao nhiêu năm tháng dù mưa dù nắng kiên trì đạp xe đi và về trên con đường này mà thấy thương em. Mỗi ngày đi ngang qua những thân cây bơ vơ bên vệ đường giữa xa xa núi đồi, có bao giờ em thấy chúng giống mình và mẹ, phải nương tựa nhau mà sống, mà vươn lên dù khó khăn gian khổ, phải đứng vững dù phong ba bão táp, vì người cha phụ bạc đã bỏ rơi hai mẹ con từ thuở em còn ấu thơ. Cho đến giờ đã trưởng thành, bản khai lý lịch của em vẫn luôn để trống phần tên cha.
Ngôi nhà đơn sơ của mẹ con Hằng
Căn nhà của hai mẹ con đơn sơ đến độ tưởng không còn gì đơn sơ hơn. Một chiếc giường với một tấm vải làm màn che bao quanh. Một chiếc tủ cũ kỹ đựng quần áo. Một chiếc bàn con vừa để tiếp khách vừa là chỗ học bài. Nền đất lồi lõm. Vách nhà là những tấm ván bìa ghép lại, mùa đông gió lùa qua các khe hở rét buốt. Chị Trần Thị Lợi (thường gọi là Hiệp) rơi nước mắt ngồi kể chuyện nhiều đêm trăn trở, muốn cho con đi học mà không biết kiếm đâu ra tiền; nhiều lần chị đã cắn răng gạt nước mắt bảo con nghỉ học, nhưng rồi nỗi buồn vô hạn của con đã làm chị không đành lòng, chấp thuận cho con đi học lại, vui với bạn bè, cũng là để có đủ cái chữ lo cho tương lai. Nhưng sức chị có hạn. Ruộng vườn không có, chị chỉ có thể đi làm thuê làm mướn với giá 25.000 đồng/ngày. Với mức thu nhập đó, chị chỉ cố lo được cho con học hết lớp 12. Mơ ước đi đại học của con chị vẫn đang còn một câu hỏi chưa có lời đáp... Gia cảnh chị như vậy mà vẫn chưa được xét cấp sổ hộ nghèo, quả là một nghịch lý!
Chị Trần Thị Lợi (Hiệp) khóc kể chuyện con
Khó khăn về vật chất không làm vơi đi ý chí của Hằng. Suốt thời gian học cấp II tại trường THPT BC Dran em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em lại rất tích cực trong phong trào văn nghệ nhờ niềm say mê âm nhạc và năng khiếu hát. Nhờ thành tích học tập tốt em đã chuyển lên học cấp III tại trường công. Và em vẫn duy trì được sức học khá cho đến tận năm cuối cấp, dù bao nhiêu khó khăn đè nặng. Những ngày nghỉ hè em tranh thủ đi làm thuê phụ mẹ và để dành tiền mua sách vở. Niềm say mê âm nhạc vẫn thôi thúc trong em, nhưng cũng chỉ có thể để dành thỉnh thoảng cất lên tiếng "sơn ca miền sơn cước", chứ đến chiếc máy hay cuộn băng cassette em đều chỉ dám nghĩ đến trong giấc mơ.
Nói về mơ ước, Hằng thích làm cô giáo. Cô giáo dạy Anh văn, là môn học em thích nhất. Tiếc thay, môn này em đã không được rèn luyện đúng mức suốt ba năm qua, nên để đi thi đại học quả thật chưa đủ sức. Điều đáng tiếc nữa là không có ai định hướng cho em một con đường phù hợp với ước mơ của mình, và như một chiếc lá bị cuốn trôi theo dòng nước, em đã mất hầu hết thời gian trong tuần để học thêm ba môn Toán, Lý và Hoá. Âu cũng là một niềm an ủi vì còn có môn Hoá là môn em thích thứ hai sau Anh văn, cũng là môn em học khá nhất với điểm trung bình học kỳ I vừa rồi đạt 8,2. Cô bé tiếc nuối: "Em không biết muốn làm cô giáo dạy Anh văn phải thi vào đại học những môn gì. Nếu sức em không đủ thì đành thôi. Không làm cô giáo dạy Anh văn được thì em thích dạy Hoá..." Có những cơ hội rất giản dị lại bị bỏ qua một cách đáng tiếc bởi không có được sự quan tâm cần thiết...
Cánh cửa bước vào con đường mơ ước của em kể ra cũng vẫn chưa hoàn toàn khép lại. Nhưng thực tế đang đòi hỏi ở em Hằng một sự nỗ lực vượt bậc, nỗ lực gấp hai lần so với các bạn khác: tinh thần và ý chí vượt qua khó khăn vật chất trong cuộc sống gia đình; nỗ lực bù đắp những thiếu hụt về chuyên môn do không được định hướng tốt. Học bổng em nhận được phải trang trải hết hơn phân nửa cho học phí phụ đạo lớp cuối cấp, phần ít ỏi còn lại để dành, sao đủ để em đi thi? Phần này mẹ em cố gắng làm và dành dụm thêm trong ba bốn tháng tới, may ra cũng cho em thoả nguyện thi cử... Còn củng cố môn Văn và Anh văn để biến ước mơ thành hiện thực, mình em biết làm sao đây?
Những gương mặt Thông Xanh lần I: trường THPT Bán công Dran
Không giống như Trần Thị Hằng ở trường Lạc Nghiệp khá mạnh dạn trong giao tiếp, Bùi Ngọc Thuỳ lớp 12A3 trường bán công Dran lại rất nhát trước người lạ. Câu trả lời thường xuyên nhất của em trước các câu hỏi của chúng tôi là... rụt vai cười. Nụ cười bẽn lẽn chân chất của một cô gái quê.
Thuỳ bên những khóm hoa tự tay trồng
Sinh năm 1987, Thuỳ là con thứ hai trong gia đình sáu anh chị em. Anh Nhựt cha Thuỳ là bộ đội xuất ngũ, về nhà làm rẫy và kiêm luôn công tác mặt trận trong thôn. Cha mẹ em mỗi ngày đi làm rẫy xa trên núi, cách nhà 40 phút đi bộ. Chị đầu của Thuỳ đã học xong lớp 12 nhưng gia đình không lo cho đi học tiếp được nên phải ở nhà đi làm thuê cho một cơ sở sản xuất tư nhân. Tháng lương đầu lãnh ra đã phải lo Tết cho gia đình, bởi thu nhập từ miếng rẫy của cha mẹ chỉ được vài trăm ngàn đồng/tháng, sao đủ cho sáu "chiếc tàu há mồm" đang độ tuổi ăn tuổi lớn. Vậy là Thuỳ thành chị lớn trong nhà, mỗi ngày đi học về là phải lo dọn dẹp, cơm nước, chăm sóc các em. Ngày chủ nhật hay những ngày hè, Thuỳ lại theo cha mẹ cuốc bộ lên rẫy, làm việc như một cô nông dân chính hiệu.
Thuỳ (hàng sau thứ ba từ phải qua) và gia đình
Cuộc sống lo toan từng ngày, anh Nhựt chỉ cố gắng cho con đi học đến hết lớp 12. Còn sau đó thì... hiện giờ anh vẫn chưa đủ sức kham nổi, dù vẫn biết rằng con mình không hề muốn dừng lại ở đó. Thuỳ cũng đã từng gián đoạn học tập năm lớp 10 vì lý do kinh tế. Nhà nghèo, lại học trường bán công, học phí khá cao so với khả năng của gia đình, Thuỳ đã phải cố gắng hết sức mình để xứng đáng với mồ hôi, công sức của mẹ cha. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên và cũng đầy may mắn là, thầy Phú dạy môn Sinh chủ nhiệm lớp Thuỳ cũng là thầy chủ nhiệm của anh Nhựt ngày xưa. Hết sức thông cảm với hoàn cảnh gia đình người học trò cũ, thầy đã quan tâm động viên và nhiều lần giúp đỡ Thuỳ, cô học trò hiện tại, vượt qua những lúc khó khăn. Không phụ lòng thầy, không phụ lòng mẹ cha, Thuỳ vừa chăm việc nhà vừa học khá, với điểm trung bình học kỳ I vừa qua đạt 7,6.
Dường như những nỗ lực vượt bậc đó đã chiếm hết phần lớn thời gian và tâm trí của em. Hỏi em muốn học gì sau khi tốt nghiệp phổ thông: rụt vai cười... Hỏi thích làm công việc gì: rụt vai cười. Hỏi biết gì về các khối thi đại học: lại... rụt vai, nghiêng đầu "Biết sơ sơ..." Em học giỏi nhất môn Sử, nhưng có phải đó là con đường tương lai em chọn? Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp vẫn còn là một "mặt trận bỏ ngỏ"...
Nhỏ hơn Thuỳ đến hai tuổi, nhưng Nguyễn Thị Ánh Tuyết, lớp 11A1, không rụt rè mà lại khá tự tin. Em sinh năm 1989 tại Đồng Nai, nhưng lớn lên tại thôn Lạc Bình, xã Lạc Xuân. Mẹ làm nông và buôn bán nhỏ, nuôi năm anh chị em Tuyết ăn học. Anh và chị của Tuyết vì khó khăn đã nghỉ học. Giờ chỉ còn Tuyết và cố gắng hai em nhỏ cố gắng học hành để thoát khỏi cảnh bán lưng cho đất bán mặt cho trời như mẹ và anh, chị mình. Em học khá, thích học vẽ và tiếng Anh, từ nhỏ đã không đi học thêm. Với ánh mắt đầy tự tin, Tuyết mơ ước trở thành kiến trúc sư. Với năng khiếu vẽ của mình, với niềm tin mãnh liệt, và với thời gian hơn một năm nữa để rèn luyện, thành công tuy khó nhưng phải đâu không thực hiện được?
Ánh Tuyết tự tin với ước mơ làm kiến trúc sư
Đợt trao học bổng Thông Xanh - Xuân 2006 này chỉ có một cậu con trai duy nhất: Dương Hoàng Tâm Thông, lớp 9A2 trường bán công Dran.
Ở độ tuổi "trổ giò", cậu bé sinh năm 1991 này trông khá mảnh khảnh. Ấy thế mà lại là một cây thể thao ra trò. Có lẽ sự dẻo dai được rèn luyện bởi mỗi ngày hai cử học sáng chiều đạp xe đi đi về về trên những con đường dốc lên dốc xuống từ thôn Lâm Tuyền, gần đầu dốc La-xe, lên đến trường Bồ Đề cũ, nay đã được xây lại khá khang trang.
Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng của Thông
Cha em cả ngày đi bán vé số ở xa. Mẹ chỉ đến mùa hồng mới được thuê đi làm với mức thu nhập 25.000 đồng/ngày. Thông còn anh trai đang học lớp 11 và em gái lớp 6 đều tại trường Lạc Nghiệp. Chỉ có Thông vì một lúc "xui xẻo" đã thiếu điểm vào trường công sau khi tốt nghiệp tiểu học. Mà có phải vì em dở dang gì, năm lớp 5 đó em đã đạt giải Học sinh giỏi cấp huyện. Học trường bán công em vẫn duy trì thành tích khá giỏi, chỉ có một điều duy nhất khác đối với em: đóng học phí cao hơn, đến khoảng 1,5 triệu đồng/năm. Và đó thực sự là gánh nặng cho gia đình em. Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, không có lấy vuông đất trồng vài luống rau, mẹ làm thuê mùa vụ, cha bán vé số, phải nặng gánh lo cho mình,... không biết có phải tất cả những nỗi khốn khó trong gia đình đó đã ươm mầm cho cậu bé ước mơ làm giám đốc? Hỏi em có biết giám đốc làm những việc gì không, cậu bé hồn nhiên trả lời không biết là làm cụ thể việc gì, nhưng... làm có tiền nuôi mẹ!
Thông mơ ước làm giám đốc có tiền nuôi mẹ
Một niềm tin hồn nhiên nhưng không phải không có cơ sở. Cậu bé lớp trưởng hiền khô này đã nhiều năm liền là học sinh khá giỏi, và học kỳ I này cũng đã... suýt giỏi với điểm trung bình 7,9. Thành tích này là thành tích thực sự của chính bản thân em, vì em không đi học thêm như bao bạn bè khác. Điều quan trọng hơn đối với ước mơ của em, đó là những khó khăn trước mắt sẽ trui rèn cho em bản lĩnh, tri thức học tập trang bị cho em sự tự tin vào bản thân, tình yêu thương của mọi người dành cho sẽ nuôi dưỡng lòng nhân ái trong em, và tất cả đó là hành trang cần thiết cho một giám đốc tương lai...
Nếu như học sinh - sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập tốt đáng được tuyên dương, thì chị em nhà Cill Mup Jittran ít ra cũng đáng được tuyên dương như vậy. Bởi em đi học bằng tiếng Việt có khác nào người Kinh đi học bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa,... Vậy mà em vẫn học khá. Nhà lại nghèo.
Jittran suy tư gì bên hiên nhà?
Jittran sinh năm 1989, con thứ hai trong gia đình 5 con, người dân tộc Cơ Ho (nhóm Chil) tại thôn Kalkin, thị trấn Dran. Cả năm chị em bốn gái một trai đều đi học, giấy khen treo kín vách nhà. Chị Jittran đang học lớp 11 trường Lạc Nghiệp, người em song sinh cùng với Jittran học lớp 10 trường bán công Dran, em trai học lớp 6 trường Lạc Nghiệp và em gái út học lớp 4 trường tiểu học Hoà Bình.
Giấy khen thành tích học tập và vượt khó của chị em nhà Jittran
Học bằng "ngoại ngữ" tiếng Việt của người Kinh, vậy mà Jittran vẫn đạt thành tích học tập đáng nể đối với một học sinh dân tộc ít người. Các năm tiểu học em đều là học sinh xuất sắc, lên cấp II thành tích có giảm xuống nhưng rồi học kỳ I năm đầu tiên của cấp III em lại đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Cũng phải kể thêm rằng kết quả đạt được nhờ em tự học là chính. Ngoài giờ học em còn phải phụ giúp việc gia đình, đi lấy củi. Có cái xe để Jittran đạp đi học đã là đủ lắm rồi, dù đường có xa cũng phải cố gắng. Jittran thích học môn Văn, môn Sinh, và mơ ước trở thành cô giáo dạy môn Sinh.
Jittran với ước mơ làm cô giáo dạy Sinh
Thay lời cả cha Ha Song và mẹ Ka Dung, Jittran cầu chúc cho Quỹ Thông Xanh phát triển tốt hơn và giúp đỡ cho nhiều bạn hơn. Người sống tốt thì được Giàng thương, được có cơm no cái bụng, áo ấm cái mình, và có cái lửa ấm trái tim, phải không Jittran?
Rời nhà Jittran, chúng tôi quay lại thôn Hamasing trên con đường gập ghềnh đất đỏ bụi mù. Con đường này mỗi ngày vẫn có nhiều em học sinh đi qua, dù mưa hay nắng. Lần này không phải để gặp Trần Thị Hằng, mà là một cô bé người dân tộc Cơ Ho như Jittran, tên là Mi Chen.
Hình như gia đình các em trường bán công Dran nhận học bổng đợt này có một đặc điểm chung là... đông con. Nhà Mi Chen có cả thảy 6 anh chị em. Một người anh của Mi Chen đã đi nghĩa vụ quân sự, một anh khác thì bị tật. Mi Chen còn em gái học lớp 9 và một em trai học lớp 3. Nhà cửa cũng đơn sơ như bao nhà khác ở thôn Hamasing này, vách gỗ, nền đất, mái tôn rỉ sét.
Nhà Mi Chen vách gỗ, nền đất, mái tôn rỉ sét
Chừng như cái đói, cái nghèo, cái khổ không ngăn cản được lòng hiếu học của con người ở mảnh đất núi rừng này. Trần Thị Hằng đã là một minh chứng. Mi Chen lại là một bằng chứng sống động khác. Các năm cấp II em đều học khá, chỉ riêng năm lớp 9 bị bệnh nặng nghỉ học nhiều nên học yếu. Bây giờ lớp 10 em lại đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến. Mi Chen rất thích học các môn Văn, Vẽ và Nhạc. Rất siêng năng, mới tờ mờ 6 giờ sáng em đã đi học, còn buổi tối phải học bài đến 21 giờ mới đi ngủ. Có phải những buổi sớm mai tà áo dài trắng đạp xe bên những hàng thông xanh rì rào, qua những con đường sương bay bảng lảng, hay những đêm khuya rả rích tiếng côn trùng và trầm hùng tiếng thở núi rừng đã mang đến cho em tình yêu văn chương cũng như ý chí vươn lên mạnh mẽ? Chúng tôi tin rằng trên những mảnh đất núi rừng linh thiêng này không chỉ có một Trần Thị Hằng, một Cill Mup Jittran hay một Mi Chen như thế...
Mi Chen như bông cúc quỳ hoang dã, rực rỡ giữa núi rừng cao nguyên
Mi Chen và gia đình
Khi chúng tôi chia tay gia đình Mi Chen, mẹ Ma Va của em còn chạy ra níu lại, biếu cái Quỹ Thông Xanh mấy trái thơm, ăn cho mát cái bụng để còn làm việc tốt...
Dran - TP. HCM, mùa xuân Bính Tuất 2006
Phương Dung - Tấn Đại - Quốc Văn