Thông báo Học bổng Thông Xanh lần XI: Hỗ trợ kinh phí dự thi tuyển sinh 2009

Theo chương trình hoạt động năm 2009, Quỹ Thông Xanh có dự kiến một đợt học bổng hỗ trợ kinh phí dự thi tuyển sinh cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có quyết tâm và tiềm năng thi đậu để đi học xa ở các thành phố lớn.

Nay, Ban điều hành Quỹ Thông Xanh xin trân trọng thông báo những nội dung chính của đợt học bổng này như sau:

Tên gọi: Học bổng Thông Xanh lần XI - Hỗ trợ kinh phí dự thi tuyển sinh 2009.

Đối tượng: các em học sinh lớp 12 (niên khoá 2008-2009) thuộc các trường THPT trong toàn địa bàn huyện Đơn Dương.

Số lượng: mỗi trường 5 suất, mỗi suất 500.000 (năm trăm ngàn) đồng.

Tiêu chí chọn lựa: Học sinh nhận học bổng cần đáp ứng cả hai điều kiện sau:

  • học sinh hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn trong việc tìm được nguồn kinh phí để tham dự kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ-THCN năm 2009 ở các thành phố lớn;
  • bản thân học sinh có quyết tâm cao độ, được thầy cô và nhà trường đánh giá có tiềm năng thi đậu vào trường đã đăng kí dự thi (phù hợp với trình độ,năng lực của học sinh, bất kể ở bậc đại học, cao đẳng hay trung cấp).

Cách thức thực hiện:

  • BGH và Hội đồng giáo viên của trường tiến hành họp và chọn lựa học sinh theo các tiêu chí trên;
  • BGH gửi danh sách học sinh được nhận học bổng đợt này (bao gồm họ tên, trường, lớp niên khoá 2008-2009, địa chỉ nhà, số điện thoại liên lạc của gia đình hoặc của người đại diện) cho Ban điều hành Quỹ Thông Xanh trước ngày 20/05/2009.

Thời gian và phương thức trao học bổng: do nhà trường và Ban điều hành Quỹ Thông Xanh thoả thuận và phối hợp thực hiện.


Kết quả tuyển chọn học bổng

Trường Trung học Ngô Gia Tự

  1. Tạ Duy Khoa, 12A1.
  2. Văn Thị Thanh Tú, 12A1
  3. Đinh Thị Mỹ Dung, 12A2
  4. Phạm Đức Thiện, 12A2
  5. Võ Thị Hậu, 12A3

Theo nhà trường cho biết, tất cả các em này đều có học lực khá và hạnh kiểm tốt.

Em Khoa ở đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dran. Đăng kí dự thi trường Đại học Kinh tế TP. HCM, em tự lượng sức thi tốt nghiệp đạt 43 điểm (6 môn), và được đánh giá có tiềm năng lớn đậu Đại học Kinh tế.

Nhà em Thanh Tú ở Lâm Tuyền (Dran) là hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Bố em bệnh, mẹ em mù một mắt, mắt còn lại thấy khoảng 30 %. Em đăng kí dự thi hai trường Đại học Sư phạm TP. HCM và Đại học Đà Lạt. Không tự tin lắm, em chỉ tự dự kiến mình đạt khoảng 33 điểm thi tốt nghiệp.

Em Mỹ Dung ở Khu phố II Thị trấn Dran, ước mơ làm cô giáo mầm non khi đăng kí cả hai trường sư phạm mầm non tại TP. HCM. Em tự lượng sức mình đạt khoảng 39 điểm thi tốt nghiệp.

Em Đức Thiện nhà ở khu Giãn Dân (Lạc Xuân), kinh tế gia đình khó khăn. Em đăng kí dự thi Đại học Đà Lạt và Cao đẳng CNTT TP. HCM, nơi em có khả năng thi đậu cao. Dự kiến mức điểm tốt nghiệp của em là 39.

Cuối cùng là em Hậu, nhà ở Lạc Thiện, đăng kí dự thi Đại học Kinh tế TP. HCM và Đại học Đà Lạt. Với mức điểm tốt nghiệp dự kiến là 40, em được thầy cô đánh giá có tiềm năng thi đậu vào Đại học Đà Lạt.

Trường THPT Đơn Dương

  1. Nguyễn Hoàng Trung, 12C (Suối Thông B, Đạ Ròn)
  2. Lê Thị Thanh Thủy, 12B3 (11 Nguyễn Viết Xuân, Thạnh Mỹ)
  3. Lê Hồng Phúc, 12A1 (5/1 Quang Trung, Thạnh Mỹ)
  4. Nguyễn Thị Mỹ Dung, 12B1 (1/8 Lý Tự Trọng, Thạnh Mỹ)
  5. Võ Thị Tố Ny, 12B2 (4/6 Lê Thị Pha, Thạnh Mỹ)

Các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn thực sự. Mức điểm tốt nghiệp dự kiến của các em là từ 40 đến 45. Cả năm em đều lựa chọn các trường đại học khác nhau, với quyết tâm thi đậu rất cao: Đại học Đà Lạt (Trung), Đại học Kinh tế TP. HCM (Thủy), Đại học Bách khoa TP. HCM (Phúc), Đại học Sư phạm TP. HCM (Dung) và Đại học Tây Nguyên (Tố Ny).

Trường Trung học Lạc Nghiệp

  1. Võ Thị Ngọc Tuyền, 12A1 (Lạc Thiện, Dran)
  2. Đặng Nguyên Uyên Phương, 12A2 (Lạc Thiện, Dran)
  3. Trần Thị Thanh Tuyền, 12A3 (Khu phố I, Dran) - đã từng nhận Học bổng Thông Xanh lần I (01/2006)
  4. Trần Hoàng Trung Hiếu, 12A4 (Khu phố III, Dran)
  5. Nguyễn Tấn Huy, 12A5 (Hoà Bình, Dran)

Uyên Phương dự thi 2 trường ĐH SPKT TP. HCM (ngành Công nghệ may) và ĐH Kiến trúc TP. HCM (ngành Mỹ thuật công nghiệp); dự kiến tốt nghiệp đạt khoảng 48 điểm. Em mơ ước đậu vào trường SPKT và trở thành một nhà thiết kế.

Trung Hiếu dự thi ĐH Công an và CĐ GTVT III; dự kiến tốt nghiệp đạt 45 điểm và đang tích cực học tập để đậu ĐH.

Thanh Tuyền dự thi ĐHSP TP. HCM (khoa Ngữ văn) và ĐH KHXH&NV TP. HCM (khoa Thông tin thư viện). Em mơ ước trở thành cô giáo; nếu không, em sẽ mở một cửa hàng sách.

Ngọc Tuyền đăng kí thi ĐH Kinh tế TP. HCM và CĐ Kinh tế Đối ngoại, dự kiến tốt nghiệp đạt 42 điểm. Em mong muốn trở thành một nhà kinh doanh, kiếm tiền phụ giúp ba má và sau này giúp các trẻ em mồ côi không nơi nương tựa.

Tấn Huy đăng kí dự thi ĐH SPKT TP. HCM và ĐH Công nghiệp; dự kiến tốt nghiệp đạt 38 điểm. Em muốn đậu đại học hoặc cao đẳng ngành Điện và trở thành kĩ sư điện tử.

Trường Trung học Lê Lợi

  1. Lê Thị Kim Vân, 12A (Thôn 1, Đạ Ròn)
  2. Vũ Ngọc Bích Phương, 12B (Suối Thông B1, Đạ Ròn)
  3. Vàng Trúc Nga, 12B (33 Lạc Long Quân, Thạnh Mỹ)
  4. Ha Yên, 12B
  5. Phan Minh Quân (3 Lạc Lâm Làng, Lạc Lâm)

Các em học sinh nói trên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều anh em đi học (Bích Phương), cha mẹ li hôn (Minh Quân) hoặc là học sinh dân tộc ít người (Ha Yên). Các em đều có nhiều nỗ lực học tập, đạt mức trung bình (Minh Quân) hoặc khá (cả bốn em còn lại).

Kim Vân đăng kí dự thi ĐH Đà Lạt và CĐ Công nghệ Thực phẩm TP. HCM. Bích Phương và Ha Yên cùng thi trường ĐH Đà Lạt. Hai em còn lại đều đăng kí dự thi vào các trường đại học tại TP. HCM như ĐH Công nghiệp và ĐH Kinh tế (Trúc Nga), ĐH KHTN (Minh Quân).

Trường Trung học Pró

  1. Nguyễn Thùy Duyên, 12A1
  2. Nguyễn Hoàng Oanh, 12A7
  3. Nguyễn Thị Thúy Kiều, 12A8
  4. Ya Vinh, 12A1
  5. Tau Tiang Thỏa, 12A9

Cả năm em đều thuộc diện nhà nghèo, học khá (Kiều, Vinh, Thỏa) và giỏi (Duyên, Oanh), hạnh kiểm tốt. Các em được thầy cô trong trường dự kiến đậu tốt nghiệp 100% và đánh giá có tiềm năng thi đậu vào các trường Đại học Sư phạm TP. HCM (Duyên), Khoa Kinh tế ĐHQG TP. HCM (Oanh), ĐH Công nghiệp TP. HCM (Kiều, Vinh)và ĐH Nông Lâm TP. HCM (Thỏa).

Lễ trao học bổng

Sáng ngày 25/05/2009, anh Phạm Quốc Văn đã đại diện Ban điều hành Quỹ Thông Xanh về trao học bổng tại các trường Trung học Lạc Nghiệp, Ngô Gia Tự, Lê Lợi và Pró, ngay tại Lễ Tổng kết năm học 2008-2009 tại các trường này. Chị Kiều Minh Mạnh cũng đã tham gia hỗ trợ thêm với anh Văn tại Pró.

Sáng ngày 27/05/2009, Trường THPT Đơn Dương tổ chức lễ bế giảng năm học 2008-2009. Sau phần khen thưởng của nhà trường cho những học sinh đạt thành tích cao trong học tập, cô Vũ Thị Khánh- Hiệu trưởng nhà trường đã trao 5 phần học bổng Thông Xanh tiếp sức mùa thi tuyển sinh Cao đẳng, đại học cho 5 em học sinh vượt khó. Ban giám hiệu nhà trường và các em học sinh được nhận học bổng đã chân thành cảm ơn Quỹ Thông Xanh đã tiếp tục đồng hành với học sinh nghèo vượt khó ở quê nhà.

Ban điều hành Quỹ Thông Xanh


CÁC EM CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG

Đến quán Điện cơ Thịnh ở thôn Nghĩa Hiệp 1 xã Ka Đô, người cha của cô bé Nguyễn Hoàng Oanh - học sinh lớp 12A7 trường THPT Proh trong bộ quần áo lao động cặm cụi với công việc của mình. Khuôn mặt đăm chiêu có lẽ mang nhiều sự lo lắng vì công việc của anh là kế sinh nhai cho cả gia đình 7 người ăn, trong đó 4 đứa con đang ăn học. Cậu con trai lớn mới học lớp 9 đã phải bỏ học để học nghề phụ cha nuôi các em. Một cô con gái vừa tốt nghiệp trung cấp kế toán chưa có việc làm, 2 đứa con khác đang học cao đẳng tại Sài Gòn; anh đang lo cho cô con út chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới. Sự lo lắng là không tránh khỏi, nhưng vợ chồng anh Thịnh rất mừng vì Hoàng Oanh đã không phụ công cha mẹ nên em học rất giỏi. Kết thúc năm học này em đạt học lực giỏi và đã nộp hồ sơ thi vào khoa kinh tế Trường Đại học Quốc gia và khoa Đông phương học Đại học Đà Lạt. Được nhà trường xét cho em được nhận xuất học bổng của quỹ Thông Xanh hỗ trợ đợt thi tuyển sinh, Hoàng Oanh cho biết em cảm thấy rất vinh dự và là động lực giúp em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, cố gắng đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển vào đại học!

Cũng ở xã Ka Đô, gia đình em Nguyễn Thùy Duyên trước đây rất nghèo.Ba mẹ làm nông nuôi 5 anh em ăn học. Anh trai lớn của Duyên đã tốt nghiệp Trường Trung cấp Công nghiệp 4 nhưng do ba mẹ khó khăn nên về nhà giúp cha mẹ trồng rau, nuôi các em. Chị gái Duyên đang học cao đẳng Công nghiệp, Duyên còn 2 đứa em đang học lớp 9 và lớp 4. Học bổng Thông xanh mà em được nhận lần này là phần thưởng cho kết quả học tập 12 năm đạt học sinh giỏi của Thùy Duyên. Cô bé xinh xắn này đã nộp hồ sơ thi vào Trưởng Đại học Sư Phạm TP HCM với ước mơ trở thành cô giáo đứng trên bục giảng chắp cánh ước mơ cho các lớp đàn em. Xin chúc Thùy Duyên hạnh phúc khi đạt được điều mình mong ước!

Gia đình của Tou Tiang Thỏa ở thôn Krăng Chớ xã Ka Đơn. Cậu bé dân tộc K'ho này đặc biệt nhạy cảm nếu có ai đó muốn tìm hiểu nhiều hơn về cái chết của 2 người chị của em khi họ còn đang tuổi ăn học. Đôi mắt với hàng lông mi rất rậm khẽ chớp mau, ánh mắt nhìn xuống giấu nhanh 1 giọt nước mắt... Em đang cố gắng vượt qua những khó khăn của gia đình để học tập thật tốt, cố thương yêu cha mẹ nhiều hơn để chia sẻ những vất vả mà cha mẹ đã chịu đựng vì con cái. Một chị kế em vừa tốt nghiệp lớp 12 đã xin vào làm công nhân tại công ty Iternationnal Acteam đang xây dựng sân golf Đạ Ròn vì thấy cha mẹ khổ quá. Thỏa còn 1 emt trai học lớp 8. Em đạt thành tích học tập loại khá trong năm học này và đã nộp hồ sơ thi vao Trường Đại học Nông Lâm.

Ya Vinh cũng là dân tộc K'ho ở thôn Ka Rái 1 xã Ka Đơn. Cha mẹ em làm nông, tất cả việc ăn mặc,nuôi 6 đứa con ăn học đều trông vào 1 ha ruộng lúa chỉ sản xuất được 1 vụ vì thiếu nước. Ya Vinh vẫn giúp cha mẹ làm ruộng những hôm không đến trường; năm học này, em xin cha mẹ dành thời gian cho em tập trung học tập và em đã đạt loại khá về học lực trong năm cuối cấp này. Phải nói đạt được thành tích như Tou Tiang Thỏa và Ya Vinh là không phải dễ đối với các em học sinh là dân tộc thiểu số ở những xã vùng xa nhiều khó khăn nhu Proh, Ka Đơn, Tu tra và thêm sự bất đồng ngôn ngữ khiến các em gặp khó khăn khi tiếp thu bài học. Ya Vinh đang chuẩn bị thi vào Trường Đại học Công nghiệp.

Cô bé Nguyễn Thị Thúy Kiều có khuôn mặt tròn nhưng gầy nhom,chẳng giống với nàng Kiều mà cụ Nguyễn Du đã vẽ. Gia đình em gốc ở Lạc Lâm, nhưng vì gia đình nghèo không có đất nên đi vào vùng kinh tế mới Sao Mai xã Ka Đơn. Sao Mai nghe cái tên thì lung linh vậy, nhưng đây là mảnh đất cằn mà những người dân nghèo đã phải thấm mồ hôi để làm ra hạt lúa, cây rau, nuôi lớn những đứa con mang nặng ước muốn thoát khỏi thân phận làm nông cơ cực của lớp người đi trước. Thúy Kiều có 2 người chị phải nghỉ học từ lớp 6 lớp 7 để đi làm thuê giúp ba mẹ. Gia đình em chỉ có 1 sào đất trồng rau, ba mẹ phải làm thêm nhiều việc để lo cho Kiều và đứa con trai út được đi học tới nơi tới chốn. Thúy Kiều xếp loại học lực khá và em nộp đơn dự thi vào trường Đại học Công nghiệp và Đại học Đà Lạt.

Đến với năm em học sinh ở những xã vùng khó khăn, mỗi em đều có một hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhưng tựu trung là việc lo cho các em được đến trường đã là sự nỗ lực rất lớn của các bậc phụ huynh. Để giúp các em trong bước đầu tiên thực hiện điều các em mong ước và đã nỗ lực để đạt được trong suốt 12 năm dùi mài kinh sử, các em cần lắm những tấm lòng mở rộng, giúp đỡ, sẻ chia... Học bổng Thông Xanh đã làm việc đó, đang làm việc đó và sẽ tiếp tục thực hiện điều đó nếu tất cả những ai có một tấm lòng hướng về quê hương biết đoàn kết, chung lòng giúp những em nhỏ ở quê nhà vượt qua hoàn cảnh...

Kiều Minh Mạnh