Em sẽ học cho phần của các anh
Ngay bên cạnh Nhà máy gạch tuy-nen Thạnh Mỹ là ngôi nhà ván nhỏ của mấy mẹ con bé Nguyễn Thị Ngọc Hiền. Mười hai giờ trưa, sau buổi học trên trường, bé Hiền mới nấu xong nồi canh rau. Và với nồi cơm đã nấu sẵn vào buổi sáng, em ngồi ăn một mình. Dù đã quen với chuyện tự nấu và ăn cơm một mình đã ba bốn năm rồi; nhưng khi nghe tôi hỏi đến chuyện gia đình, bé Hiền vẫn không cầm được những giọt nước mắt tủi thân!
Năm 1995, khi bé Hiền mới hai tuổi, cha của em làm nghề thợ sửa xe đã bị tử nạn khi bị một chiếc bánh xe văng vào ngực. Ba anh em bé Hiền mồ côi cha từ đó. Không có một mảnh đất cắm dùi, tình yêu thương của người mẹ yếu đuối cũng không thể lo đủ cho ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Được người cô họ cho mảnh đất nhỏ, người cậu giúp làm cho ngôi nhà ván, bốn mẹ con mới có chỗ che mưa che nắng.
Hai anh trai của bé Hiền đã phải bỏ học từ lớp 6, lớp 8 để đi làm thuê giúp mẹ nuôi em. Hai anh em bây giờ đang ở làm thuê cho một chủ nhà máy xay xát. Công việc nhiều lúc làm từ mờ sáng cho đến tối mịt nên hai anh em ăn ở luôn ở nhà chủ, thỉnh thoảng mới về thắp nhang cho cha, thăm mẹ và em gái.
Khuôn mặt cô bé đang ướt nhoèn nước mắt bỗng tươi lên khi nghe tôi hỏi: "Các anh có thương bé không?" Bé Hiền cười: "Dạ, thương lắm!" Tôi đã đi đã viết khá nhiều về những hoàn cảnh bất hạnh đáng thương, và điều tôi thấy được ở những hoàn cảnh neo khó ấy thường là những tấm lòng thơm thảo, tràn ngập tình thương yêu - thứ không phải luôn có ở nhiều gia đình sung túc hiện nay.
Còn mẹ bé Hiền - chị Bùi Thị Kim Cảnh - thì đã 13 năm nay luôn ở vậy thờ chồng nuôi con. Không có đất sản xuất, cũng không có vốn để buôn bán, chị phải đi làm thuê cuốc mướn để kiếm từng đồng lo cho con. Khi bé Hiền học tiểu học, chị cố tranh thủ để sau những buổi làm chạy về lo cho con bữa cơm. Nhưng kể từ khi cô bé lên lớp 6, đã có thể phụ mẹ, lúc chị kiếm được công việc nội trợ phụ giúp cho một gia đình buôn bán, thì chỉ sau khi nấu ăn dọn dẹp cho nhà chủ xong xuôi chị mới quay về nhà. Mỗi ngày, thường đến 19-20 h bé Hiền mới nhìn thấy mặt mẹ. Thức ăn mẹ mua sẵn từ buổi sáng, em tự nấu tự ăn, tự dọn dẹp tự học bài và... ngồi đợi mẹ về! Nhắc đến vòng tay yêu thương của mẹ, giọt nước mắt trẻ thơ tủi thân tôi đang nhìn thấy kia nhanh chóng biến mất, để lại nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt rạng rỡ.
Được nhận suất học bổng 500.000 đồng của Quỹ Thông Xanh đối với bé Hiền có lẽ là một tài sản quá lớn! Tôi hỏi: "Con dùng học bổng để làm gì?" Bé Hiền cười: "Con sẽ đưa hết cho mẹ." Tất nhiên rồi! Còn bao nhiêu cái thiếu trong một gia đình khốn khó, nhất là khi cái Tết đang đến gần. "Ước mơ của con?" Một chút suy nghĩ: "Con chưa biết, nhưng con rất thích đi học, con sẽ học cho phần của hai anh con đã phải bỏ học sớm..." Và đôi mắt của bé Hiền lại rơm rớm nước khiến lòng tôi cũng cảm thấy rưng rưng...
Ngày mai em sẽ là cô giáo
Tưởng là phải đi xa lắm, nên mãi đến chiều chủ nhật rảnh rỗi, tôi mới tìm đến nhà em Hồ Hoài Hằng - học sinh lớp 12A5 Trường THPT Proh. Hai chú bé ngộ nghĩnh khoảng 11, 12 tuổi khi nghe tôi tả "...chị Hằng, học sinh lớp 12 mới bị xe công nông đụng đó!" liền ồ lên và dẫn tôi đi ngược về đầu cầu Quảng Lập. Thì ra tôi đã đi quá xa so với nơi cần đến và khi đến thì mới biết lại gặp "người quen": hè năm ngoái, tôi đã gặp em trai bé Hằng khi cùng với lãnh đạo huyện vào trao cho gia đình em 1 triệu đồng tiền hỗ trợ cho cháu Hồ Hùng Hưng đi mổ tim do bị dị tật bẩm sinh. Chỉ có điều đưa cháu Hưng lên Trường THCS Quảng Lập nhận tiền là anh Hồ Văn Ký - cha của các cháu; còn lên nhận học bổng Thông Xanh cho bé Hoài Hằng là chị Lê Thị Trang - mẹ của các cháu - nên tôi không nhận ra mối dây liên hệ giữa họ.
Đã là những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc mà trong ngôi nhà bé nhỏ ấy chẳng có chút gì của không khí tết. Nằm ngay bên huyện lộ 413 mới được "lên đời" bằng bêtông nhựa nóng, bên cạnh nhiều ngôi nhà xây khang trang đang mọc lên ngày càng nhiều, ngôi nhà của gia đình bé Hoài Hằng như càng bé mọn. Vào trong nhà mới thấy thương hơn: thì ra lớp ván mỏng bên ngoài chỉ để "làm dáng", các bức vách còn lại của ngôi nhà chỉ là bằng đất sét, vách phòng được ngăn bằng ván ép, cột kèo là những ống tre lồ ô, nền nhà đất lồi lõm... Chỉ được cái là sạch sẽ. "Cô tú" Hồ Hoài Hằng đang cùng em trai ngồi học bài bên chiếc bàn nhôm duy nhất trong nhà kê cập kênh trên nền đất. Lớp băng trên mặt em đã được tháo, chiếc sẹo dài hơn 3 cm đỏ hỏn kéo dài từ thái dương xuống đến quá xương gò má khiến em cứ phải dùng mái tóc dài phủ kín. Còn Hùng Hưng, chiếc áo thun cũ cổ áo quá rộng khiến người ta có thể nhìn thấy vết sẹo trên ngực, vết tích của ca phẫu thuật dị tật tim mới được tiến hành hồi tháng 3/2007.
Cưới nhau 18 năm, anh Ký và chị Trang có được 5 đứa con. Nếu có người nào cười chê nhà đông con vậy bảo sao không nghèo thì anh chị đều cười biết lỗi! Anh Ký thuộc dòng họ độc đinh, anh sinh đến 3 đứa con gái mới có một mụn con trai. Đã vậy mới hơn 4 tháng lại phát hiện cháu bị dị tật tim bẩm sinh. Thế là bao nhiêu của nả của một gia đình nghèo cứ đội nón ra đi khi mỗi tháng cứ phải đem cháu xuống Sài Gòn để chữa bệnh. Mãi đến tháng 3/2007, thông qua Uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em (UBDS-GĐ-TE) của huyện, cháu được Viện tim ở TP. HCM nhận phẫu thuật với chi phí ca mổ là 2.500 USD. Nhờ một tổ chức nhân đạo viện trợ phẫu thuật tim dị tật bẩm sinh cho 28 triệu, còn gia đình phải vay lãi suất cao 10 triệu đồng, đồng thời một người có lòng từ tâm trong xã cho mượn thêm 6 chỉ vàng và chín người họ hàng cho máu, cháu Hưng mới được phẫu thuật thành công. Hiện nay, sức khoẻ cháu đã ổn, nhưng gia đình không có tiền để đưa cháu đi tái khám vì vẫn còn nợ UBDS-GĐ-TE 12 triệu đồng, tiền vay thêm cũng chưa trả được. Vì nóng lòng kiếm tiền trả nợ, anh chị thuê 4 sào đất ven sông Đa Nhim để trồng sú. Được một đại lý phân bón và một nhà ươm cây con giống thông cảm với hoàn cảnh của gia đình nên cho anh chị ứng trước giống và phân bón, thuốc trừ sâu, anh chị trồng 40.000 cây sú. Với tổng vốn ứng nợ để đầu tư lên đến hơn 20 triệu đồng, những tưởng trời thương cũng đủ trả nợ nần, không ngờ khi sú chưa kịp lớn đến độ thu hoạch thì trời mưa, xả lũ, nước ngập, đám sú của anh chị chỉ bán được... 500.000 đồng. Không nản, anh chị lại đầu tư trồng một đám cải, nhưng vận rủi vẫn không rời: cải bị bệnh sưng cổ rễ, mất sạch.
Tưởng đã cùng cực khổ, vậy mà chưa! Bé Hằng - cô con gái đầu lòng ngoan ngoãn và học giỏi - trên đường đi học về lại bị một chiếc xe công nông chạy ẩu va phải. Hơn 10 cô bạn cùng đi chỉ biết ôm bạn đang bất tỉnh, máu me đầy mặt khóc lóc mà chẳng biết kêu cứu nên để tên lái xe vô lương tâm chạy mất. Tiền cấp cứu ở bệnh viện huyện và tỉnh thì đã có bảo hiểm y tế học sinh trả, nhưng gia đình cũng lại phải vay hơn 4 triệu đồng để đưa em xuống Sài Gòn để khám bác sĩ tư vì đã đến ngày thi học kỳ I. Đã phải nghỉ học 9 ngày, xương gò má bị gãy đau nhức, vậy mà Hoài Hằng vẫn cố gắng học bài, làm bài thi tốt để đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến trong học kì I. Chỉ có một điều đáng buồn: vì tai nạn mà em phải nghỉ 9 buổi học, và điều ấy khiến em bị... hạ bậc hạnh kiểm xuống loại khá vì "không chuyên cần" (?!)
Cha bị đau bao tử và sỏi thận nên không có sức lao động, Hoài Hằng đã phải cùng mẹ và hai em gái kế đi làm thuê ngay từ khi em mới học lớp 5 để kiếm tiền chữa bệnh cho cha và em trai. Khó khăn là vậy nhưng cả mấy chị em đều học rất giỏi. Bức vách bằng ván ép ngăn "phòng khách" với "phòng ngủ" được "trang hoàng" bằng mấy chục tấm giấy khen của cả 5 chị em. Hoài Hằng từ năm lớp 1 đến lớp 12 đều là học sinh giỏi hoặc tiên tiến, bé Hoàng Hảo lớp 8 đặc biệt giỏi Anh văn, Hoàng Huyên thường xuyên được khen thưởng, Hùng Hưng cũng được giấy khen học sinh vượt khó... Chị Trang mau nước mắt nên suốt câu chuyện đôi mắt cứ đỏ hoe. Khi nghe tôi nói đùa: "Gia đình anh chị thật là giàu có!", chị cũng cười: "Dạ, ai cũng nói bọn em tuy khổ nhưng được cái các cháu đều ngoan và học giỏi. Chỉ có điều... Không biết vợ chồng em có nuôi nổi các cháu đến tận đại học hay không?" Bé Hoài Hằng khẳng định chắc nịch: "Ước mơ của con là được làm cô giáo, con cố gắng học vì không muốn phụ lòng cha mẹ và cũng không muốn khổ như cha mẹ!"
Nhìn quanh, ngôi nhà trát đất không có lấy một vật dụng đắt tiền, sách vở của cả mấy chị em Hoài Hằng chất chung trong chiếc thùng mì tôm để tựa vào vách, gian bếp thấp lè tè ám khói vì gia đình vẫn còn đun nấu bằng củi. Thấy tôi nhìn chiếc nồi cơm điện mới tinh như lạc lõng giữa mớ đồ làm bếp cũ kĩ, chị Trang có vẻ ngượng ngùng: "Nhận được học bổng, em định mua gì cho cháu, nhưng cháu bảo mẹ mua chiếc nồi cơm điện đi để khỏi nấu cơm bằng bếp củi bất tiện, lại còn lâu nữa..." Đâu có sao chị ạ! Học bổng đâu cứ gì chỉ để mua sách vở và trả học phí. Miễn sao nó được sử dụng hữu ích để tiếp sức cho những ước mơ đẹp trong những nếp nhà nghèo được bay bổng vươn xa. Học bổng ấy là tấm lòng thơm thảo của các anh chị cựu học sinh Đơn Dương và các nhà hảo tâm giàu lòng yêu quý mảnh đất nghèo này, ngày hôm nay đã giúp một gia đình khốn khó ở xã Quảng Lập có được những bữa cơm nóng ngon lành, tiếp sức cho một cô học trò đang phấn đấu để ngày mai trở thành một cô giáo! Tận đáy lòng mình tôi luôn mong rằng ước mơ của Hoài Hằng sẽ trở thành hiện thực!
Kiều Minh Mạnh (Diễn đàn Đa Nhim)
Những học sinh nhận học bổng Quỹ Thông Xanh lần VII - Trường THPT Lạc Nghiệp
NGUYỄN TRẦN HẠ CHI - 11A2
Chi và mẹ sống trong khu nhà trọ của hãng xì dầu Bình Dương. Bố không có bên cạnh từ khi Chi còn ẳm ngửa, cô bé biết mình là niềm vui lớn nhất của mẹ. Vào căn phòng nhỏ, tôi nhận ra chợt thấy vui vui khi khắp trên vách tường chi chít công thức toán học,vật lý, từ vựng anh văn và cả một số vật trang trí tự làm rất chi là... con gái.
Học kì 1 vừa rồi Chi được HS giỏi, một kết quả không tệ khi học chương trình mới - Ban tự nhiên.
CĂN PHÒNG NHỎ
CÔNG THỨC TRÊN VÁCH TƯỜNG
GÓC HỌC TẬP CỦA CHI (trước là bếp, sau là giường ngủ)
PHẠM BẠCH THẢO NGUYÊN - PHẠM BẠCH THẢO NGÂN - 6A2-6A5
Hai chị em sinh đôi Thảo Ngân - Thảo Nguyên mồ côi cha, mẹ đi "làm đủ thứ" (lời em khi được hỏi MẸ EM LÀM NGHỀ GÌ?) thường ở nhà với ngoại đã hơn 80 tuổi, gần đây thì có anh 4 về ở chung (anh mới bị tai nạn giao thông, chấn thương cũng nặng, nhưng giờ đã khá hơn nhiều). Góc học tập là một cái bàn rộng đặt dưới cầu thang, trên có sách vở và rất nhiều đồ lưu niệm do cả hai chị em cùng làm. Tôi thích nhìn cái thời khóa biểu của 2 chị em, trông nó như một bức tranh: chùm bong bóng là thứ 2, có 5 cái, cái màu vàng là giờ chào cờ, màu xanh là toán...Ngôi sao là thứ 3, mỗi cánh sao một giờ học... Nhìn thời khóa biểu là hứng thú học bài ngay thôi.
Cả 2 chị em đều được học lực giỏi ở học kỳ 1
GÓC HỌC TẬP DƯỚI CHÂN CẦU THANG
BỨC TRANH - THỜI KHÓA BIỂU
MỘT GÓC NHÀ (đứng từ cửa chính nhìn vào)
Phan Thị Diệu Linh (Diễn đàn Đa Nhim)
Giúp đỡ gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Hiền
Nguyên và Uyên cũng đã đến thăm gia đình em Nguyễn Thị Ngọc Hiền, học sinh lớp 9A trường THPT bán công Lê Lợi.
Còn 2 ngày nữa là tết đến nhưng mẹ và hai anh trai của Hiền vẫn đi phụ việc.
Nguyên đã trao cho em món quà tết của Bạn Khánh Linh. Chị Cảnh (mẹ em Hiền) đã bật khóc khi biết số tiền Nguyên trao là từ một người chị đang sống ở một nơi xa, có hoàn cảnh rất đặc biệt, nhín bớt chi tiêu để chia sẻ, động viên em. Chị Cảnh đã đại diện em Hiền và gia đình cảm ơn Linh, Chị mong rằng Bạn luôn được khoẻ mạnh, ... chị nghẹn lời... nhưng Nguyên biết, tết này, gia đình em Hiền sẽ vui, sẽ rất vui...
Mặt tiền căn nhà nhỏ nơi em Hiền sinh sống:
Em Hiền và mẹ (Nguyên đã đến nhà chị Cảnh đang giúp việc, sau đó chị đã xin phép về nhà):
Nhà chỉ có 3 cái ghế nhựa nhỏ để chủ và khách cùng ngồi ở nhà trên. Những vật dụng ở nhà dưới (nhà bếp) cũng thật đơn sơ:
Nguyễn Thị Thu Nguyên (Diễn đàn Đa Nhim)