Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 11/2005, Quỹ Thông Xanh có mục đích tập hợp rộng rãi bà con người Đơn Dương, chung tay góp sức làm những việc tuy nhỏ nhưng có tác dụng động viên tinh thần rất lớn đối với các em học sinh phổ thông tại huyện nhà, thế hệ trụ cột trong tương lai mà địa phương luôn mong đợi.

Trong mục đích đó, Quỹ Thông Xanh có chương trình hỗ trợ kinh phí dự thi tuyển sinh hàng năm cho các em học sinh có quyết tâm và tiềm năng thi đậu để đi học xa, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho các em tham dự kì thi tuyển sinh ở các thành phố lớn. Năm 2008 là năm thứ ba liên tiếp Quỹ Thông Xanh cấp 25 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 (năm trăm ngàn) đồng, cho 25 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên các em trước khi "khăn gói" lên đường ứng thí.

Với sự phối hợp chỉ đạo và giúp đỡ của UBND huyện Đơn Dương, các thủ tục tuyển chọn học sinh được nhận học bổng đã được thực hiện tại năm trường cấp III trong huyện vào đầu tháng 05/2008, trước khi các trường kết thúc năm học. Và lễ trao học bổng đã được tổ chức vào sáng ngày 06/06/2008, tại Hội trường Huyện uỷ Đơn Dương.

Toàn cảnh Lễ trao Học bổng Thông Xanh lần VIII:

Đến dự có ông Lê Hữu Túc, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Lê Chính, Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đơn Dương, Đoàn TNCS HCM huyện Đơn Dương và Ban giám hiệu năm trường THPT. Đây là lần đầu tiên UBND huyện phối hợp cùng Quỹ Thông Xanh tổ chức tập trung tất cả học sinh được nhận học bổng để trao tại huyện. Ông Lê Hữu Túc đã thay mặt chính quyền địa phương ghi nhận và biểu dương việc làm nhiều ý nghĩa của những người con xa quê hương đã tiếp sức và có sự giúp đỡ thiết thực cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà, khuyến khích các em tiếp tục con đường học vấn. Anh Phạm Quốc Văn, Trưởng Ban điều hành Quỹ Thông xanh, và chị Nguyễn Thuỳ Liên, một thành viên trẻ trong Ban điều hành, đã đại diện về trao học bổng cho các em. Nhận học bổng đợt này là những em học sinh có học lực khá giỏi, có khả năng thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong nước, nhưng đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn...

Ông Lê Hữu Túc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, biểu dương những việc làm thiết thực của Quỹ Thông Xanh:



Anh Phạm Quốc Văn, Trưởng Ban điều hành Quỹ Thông Xanh nhiệm kì III, gửi gắm tình cảm của cộng đồng người Đơn Dương xa xứ cho các em học sinh nghèo ở quê nhà:



Dưới đây là danh sách 25 em học sinh được nhận học bổng Thông Xanh lần VIII:

I. Trường THPT Đơn Dương:

  1. Lê Trọng Tài (12A1)
  2. Nguyễn Thị Khánh Điệp (12A3)
  3. Trần Duy Dương Ngọc (12A4)
  4. Nguyễn Hữu Thịnh (12A6)
  5. Phạm Thị Tuyết Trinh (12A6)

II. Trường THCS & THPT Lê Lợi:

  1. Nguyễn Thị Xuân Nương (12B)
  2. Nguyễn Thị Tú Uyên (12A)
  3. Boza Nai Quyến (12C)
  4. Lê Thị Diễm Phương (12B)
  5. Trần Văn Hoài (12A)

III. Trường THPT Pró:

  • Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (12A1)
  • Đàm Thu Điệp (12A2)
  • Hoàng Sỹ Đức (12A5)
  • Đinh Thị Thanh Thuỳ (12A7)
  • Ya Si Môn (12A11)

IV. Trường THPT Lạc Nghiệp:

  1. Mai Thị Ngọc Thu (12A1)
  2. Nguyễn Vũ Anh Khoa (12A2)
  3. Lê Văn Tuấn Đức (12A3)
  4. Hà Thị Kim Thu Huệ (12A4)
  5. Bùi Thị Phương Dung (12A5)

V. Trường THPT Ngô Gia Tự (tức BC Dran):

  1. Nưng Sang Hàn Raghin (12A1)
  2. Lường Lý Hằng (12A2)
  3. Nguyễn Thị Thanh Thuý (12A3)
  4. Mi Chen 12A4)
  5. Võ Thị Diễm Chi (12A4)


Các em học sinh nhận học bổng:

Đại diện học sinh nhận học bổng phát biểu cảm tưởng, tri ân tấm lòng của các thế hệ đi trước gửi đến các em qua Quỹ Thông Xanh:


Nguyễn Hữu Thịnh là cậu học sinh duy nhất có học lực giỏi trong số 25 học sinh được nhận học bổng Thông xanh lần này. 12 năm là học sinh giỏi, cậu học sinh lớp 12A6 của Trường THPT Đơn Dương có hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình em ở thôn Hải Hưng xã Lạc Lâm, bố mất khi em đang học lớp 8, là đứa con thứ 12 trong một gia đình có đến 13 người con, không nói thì chắc ai cũng có thể cảm nhận được gia đình Thịnh khó khăn đến mức nào. Gia đình chỉ có 3 sào đất trồng rau, mẹ và các anh chị của Thịnh cần mẫn lao động để dồn sức cho 4 người con nhỏ được theo đuổi con đường học vấn. Một chị gái của Thịnh đã tốt nghiệp Trung cấp y và đang làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy; một chị gái kế Thịnh cũng đang học Trung cấp y; còn Thịnh thì với sức học giỏi, em đang phấn đấu vào Đại học Y thành phố trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới đó! Thịnh đang được cả nhà kỳ vọng. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt lấp lánh của em sự tự hào vì có sự chăm sóc của gia đình, một sự xúc động khi nhắc đến tên người Thầy đã kèm toán miễn phí cho em cả mấy năm học và hôm nay lại được nhận sự tiếp sức của các lớp đàn anh đi trước... Dường như tôi cảm nhận được một sự tự tin, một nghị lực toát ra trên khuôn mặt gầy gò, trong dáng vóc hơi nhỏ bé của em. Chắc chắn em đang cố gắng để đền đáp lại tấm lòng của mọi người. Hy vọng, em sẽ phấn đấu và đạt được điều mong ước như sự kỳ vọng mà ba mẹ em đã gửi gắm vào cái tên đặt cho em khi em chào đời cách đây 18 năm.

Trong danh sách nhận học bổng hỗ trợ kinh phí thi tuyển sinh 2008 của Trường THPT Ngô Gia Tự có 2 em dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Nưng Sang Hàn Raghin ở thôn Lạc Bình xã Lạc Xuân đang cố gắng để thi đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên, khoa Y Dược. Chúc em đạt được mơ ước của mình, cộng đồng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đơn Dương nói riêng, ở Lâm Đồng, Tây Nguyên nói chung, đang rất cần bác sĩ, không chỉ để chăm sóc sức khoẻ mà còn để tuyên truyền chuyển đổi hành vi trong vệ sinh chăm sóc cá nhân trong cộng đồng đồng bào.

Còn em Mi Chen ở thôn Ha Ma Sing thị trấn Dran thì ước mơ trở thành cô giáo. Gia đình Mi Chen có 6 anh chị em; anh trai đầu sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đang ở nhà làm nông, người anh thứ hai bị thiểu năng trí tuệ; người anh thứ ba cũng bỏ học sớm, đang làm thợ hồ. Mi Chen thấy ba mẹ và dân làng làm rẫy cực khổ mà cứ nghèo hoài. Em muốn có một công việc ổn định để giúp đỡ cha mẹ lo cho các em tiếp tục ăn học. Trong thôn Ha Ma sing hiện nay chưa có người nào học tập đến nơi đến chốn. Mi Chen đang phấn đấu là người đầu tiên trong buôn làng đi học xa. Em đã nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Tây Nguyên khoa Sư phạm tiếng Gia Rai.

Cô bé nhỏ nhắn gây ấn tượng cho người đối diện bởi đôi mắt to đen tròn, cặp chân mày đậm dài và một phong cách khá tự tin là em Bùi Thị Phương Dung, ở Phú Thuận - Dran là một trong 5 học sinh của Trường THPT Lạc Nghiệp được nhận học bổng hỗ trợ kinh phí đi thi . Đang liến láu nói về mơ ước của mình, đôi mắt cô bé bỗng hoe đỏ khi nhắc đến người mẹ của mình. Mẹ em không khoẻ, nhưng vì việc học hành của các con mà cứ cố gắng gượng mãi, lại phải chịu đựng sự thiếu thông cảm từ người cha của em...Thoáng chốc, đôi mắt ấy đã lại long lanh khi nhắc đến người chị gái: "Chị em tốt nghiệp khoa Quản trị du lịch Đại học Đà Lạt, làm việc trong một khách sạn tư nhân nên lương không cao. Để đủ tiền sinh sống và gửi về giúp mẹ, chị em phải...chơi huê! Chị đang xuống Bình Dương để tham gia phỏng vấn xin vào làm việc tại Ngân hàng ACB để có thu nhập cao hơn..." Phương Dung đã nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh vào Trường Đại học Công nghiệp khoa Quản trị kinh doanh. Hơi tự ti trước vóc dáng "thấp bé nhẹ cân" của mình, nhưng cô bé có tham vọng trở thành người quản lý doanh nghiệp đó! Trả lời câu hỏi của tôi: "Theo Dung, người quản lý cần có đức tính gì?"; cô bé trả lời như đã chuẩn bị từ lâu: "Người quản lý cần có năng lực, mạnh dạn và biết tâm lý- thấu hiểu nhân viên của mình thì mới động viên mọi người làm việc tốt..."; "Còn nếu chỉ là một nhân viên?"; Cô bé lại cười: "Là nhân viên thì phải làm hết sức mình vì nhãn hàng mà mình đang làm việc!".

Ô, tôi thật sự ngạc nhiên vì suy nghĩ khá "người lớn" của cô bé! Trong thực tế, không ít người làm công tác quản lý gần đến tuổi nghỉ hưu mà chưa chắc đã có được suy nghĩ của một cô bé vừa tốt nghiệp THPT. Chúc em vượt qua kỳ thi, học tập tốt để sớm thực hiện ước vọng của mình!

Cũng đến từ Trường THPT Lạc Nghiệp là em Mai Thị Ngọc Thu ở thôn Phú Thuận. Ngọc Thu thích viết văn, em đã nộp hồ sơ dự thi vào khoa Tâm lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP. Theo em, học khoa tâm lý giáo dục để hiểu biết về tâm lý con người; có hiểu sâu về tâm lý con người thì mới có thể sáng tác truyện lãng mạn được!

Một người bạn khác của Ngọc Thu và Phương Dung được nhận học bổng đợt này là em Hà Thị Kim Thu Huệ ở thôn Đường Mới. Thu Huệ thi vào Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM.

Còn em Roda Nai Quyến ở thôn M'Lọn thị trấn Thạnh Mỹ, học sinh lớp 12C Trường bán công Lê Lợi thì đang nỗ lực để biến ước mơ từ nhỏ thành hiện thực; Em đã nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Đà Lạt khoa Sư phạm toán và sinh. Nai Quyến đang hy vọng, nếu không đỗ được đại học thì em cũng sẽ đỗ vào cao đẳng sư phạm. Em muốn là cô giáo để được mặc áo dài đứng trên bục giảng...

Em Nguyễn Thị Thanh Nguyệt học sinh lớp 12A1 Trường THPT Proh thi vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật khoa nữ công. Ya Si Môn dân tộc Chu Ru cũng muốn trở thành thầy giáo để đem cái chữ về cho trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu khi em dự thi vào khoa sư phạm Đại học Đà Lạt. Còn Phạm Thị Tuyết Trinh ở Ka Đô, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Đơn Dương thì đang đối đầu với mức chuẩn 24 điểm để vào Khoa Kinh tế đối ngoại.

Chúc tất cả các em đều đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học , cao đẳng sắp tới để chắp cánh ước mơ, đền đáp công lao của ba mẹ, thầy cô đã nuôi dạy và cũng phần nào tri ân những bậc đàn anh đi trước đã chia sẻ, tiếp sức giúp các em thêm nghị lực trong bước chân đầu tiên trước ngưỡng cửa vào các giảng đường đại học...!

Bài và ảnh: Minh Mạnh & Ban điều hành Quỹ Thông Xanh